Tin tức
TÍN CHỈ CARBON LÀ GÌ?
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang các công nghệ sạch ít carbon hơn, tín chỉ Carbon trở thành một công cụ quan trọng giúp các quốc gia giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sự phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
1. Tín chỉ Carbon là gì?
Tín chỉ Carbon (Carbon Credits) là giấy chứng nhận để giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính (KNK) khác vào bầu khí quyển. Một tín chỉ Carbon lấy đơn vị là tấn CO2 hoặc khối lượng một KNK khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e).
Mục tiêu chính của tín chỉ Carbon là giảm lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác ra bầu khí quyển từ các hoạt động công nghiệp. Các quốc gia sẽ loại bỏ khí thải khỏi không khí thông qua một dự án giảm lượng Carbon. Qua đó giảm hiện tượng trái đất đang nóng lên trên toàn cầu.
Tín chỉ Carbon cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải và có thể mua bán cho các cá nhân, tổ chức hay quốc gia.
2. Lịch sử của tín chỉ Carbon
Thị trường Carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên có sự tham gia của quốc tế vào thị trường Carbon. Theo Nghị định thư, các quốc gia có tín chỉ Carbon vượt mức được mua hoặc bán bởi các quốc gia đang phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu.
Kể từ đó, trên thế giới ra đời loại hàng hóa mới mang tên Tín chỉ Carbon. Carbonic (CO2) là khí nhà kính tương đương với tất cả các khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán tín chỉ Carbon, hình thành nên thị trường Carbon.
Đến năm 2005, Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực. Phiên giao dịch phát thải đầu tiên của EU-ETS được tiến hành trong các lĩnh vực điện, thép, lọc dầu và xi măng ở 25 quốc gia thành viên. Đánh dấu sự ra đời của hệ thống giao dịch phát thải đầu tiên của thế giới.
Bước ngoặt trong đàm phán các chính sách khí hậu quốc tế là sự ra đời của Thỏa thuận Paris tại COP 21 năm 2015. Được xem là thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto, các thị trường Carbon nội địa, liên kết cũng dần được hình thành dựa trên các chính sách và mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
3. Về việc cấp phép tín chỉ Carbon
Theo Ủy ban châu Âu, tín chỉ Carbon là giấy phép được cấp và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền cho một tổ chức hoặc dự án vì đã giảm hoặc tránh phải thải một lượng khí Carbon Dioxide (CO2) tương đương. Cơ quan có thẩm quyền ở đây có thể là cơ quan chính phủ hoặc tổ chức quốc tế.
4. Thị trường carbon là gì?
Thị trường Carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, có 2 thị trường carbon chính:
- Thị trường carbon bắt buộc: Việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong công ước, hiệp định, chương trình… của quốc tế để đạt mục tiêu cắt giảm hiệu quả khí nhà kính. Tín chỉ carbon được giao dịch trong thị trường này là các hạng ngạch, hạn mức phát thải, được giao dịch trên các sàn thông qua các chương trình, hệ thống mua bán phát thải KNK.
- Thị trường carbon tự nguyện: Thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các công ty, tổ chức hoặc quốc gia. Theo đó, bên mua đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Và các tín chỉ carbon khi giao dịch trên thị trường này phải do các tổ chức đóng vai trò là bên thứ ba kiểm định, xác nhận và cấp tương ứng với lượng khí thải nhà kính đã cắt giảm được.
5. Về việc mua bán tín chỉ carbon
Tổ chức nào có thể bán tín chỉ carbon?
Bên bán tín chỉ carbon có thể là mọi tổ chức nếu “dấu chân carbon” hoạt động phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động (gồm kinh doanh trực tiếp, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm. Họ có thể thực hiện thông qua các dự án trồng rừng, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, các doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện…
Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn phát thải CO2 hoặc KNK khác (NH4,NO2) quy đổi. Các lô tín chỉ carbon càng lớn thì giá trị càng cao.
Tổ chức nào cần mua tín chỉ Carbon?
Bên mua tín chỉ Carbon là các doanh nghiệp có lượng phát thải ròng CO2 là số dương (>0) như: Các công ty sản xuất xi mắng, hóa dầu, hóa chất, thép, may mặc… Những lĩnh vực này chiếm hơn 90% lượng khí thải công nghiệp tại EU, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải khi nhập khẩu hàng hóa vào.
Từ năm 2026, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn xanh của EU, các bên này phải mua “chứng chỉ khí thải” - Tín chỉ carbon. Nếu không, EU sẽ đánh thuế dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
6. Sàn giao dịch tín chỉ carbon
Tín chỉ Carbon là một loại hàng hóa đặc biệt. Sàn giao dịch tín chỉ Carbon là trung tâm xử lý các giao dịch về mua, bán tín chỉ Carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và đấu giá, vay mượn, nộp trả cũng như chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK).
Cụ thể, khi hình thành Sàn giao dịch tín chỉ Carbon sẽ giúp kết nối người mua, người bán trên thị trường với nhau, tăng tính minh bạch của thị trường trong việc định giác carbon. Khi tất cả người mua, người bán đều giao dịch trên thị trường tập trung, người mua sẽ được mua ở mức giá tối ưu, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tăng được vị thế và tính cạnh tranh, có thêm nguồn lợi nhuận, thúc đẩy phát triển các công nghệ ít phát thải carbon, tăng sử dụng năng lượng tái tạo, giảm khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh.
7. Một số sàn giao dịch tín chỉ Carbon
Hiện trên thế giới có tổng cộng: 58 quốc gia phát triển thị trường Carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế Carbon. Một số quốc gia áp dụng cả hai. Các quốc gia này đều đã có nhiều giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ Carbon, nguồn thu về rất lớn tạo nên sức hút hấp dẫn cho các nước chưa tham gia.
- Đầu tiên phải kể đến thị trường châu Âu, sàn giao dịch EU Emissions Trading System (EU ETS) giúp các nước thành viên của EU hạn chế hoặc giảm lượng khí thải nhà kính bằng việc cho phép người tham gia mua hoặc bán hạn ngạch khí thải.
- Ở Mỹ, sàn giao dịch California Cap-and-Trade Progam đang hoạt động tại tiểu bang California, Hoa Kỳ và là một phần của Western Climate Initiative.
- Sàn Japan Carbon Credit Trading Scheme (J-Credits): Sàn J-Credits trên sàn chứng khoán Tokyo. Ban đầu có 188 công ty, tổ chức tham gia mua bán tín chỉ Carbon thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý rừng.
- Sàn giao dịch China National Emissions Trading Scheme: Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống giao dịch vào năm 2021.
- Tại nhiều nước Đông Nam Á cũng có sàn giao dịch Carbon như sàn giao dịch chứng khoán Singapore, sàn giao dịch tín chỉ Carbon Malaysia khai trương năm 2022. Sàn giao dịch Indonesia tham gia vào năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu vận hành thí điểm Sàn giao dịch tín chỉ Carbon. Đến năm 2028 sẽ đi vào hoạt động chính thức. Tuy còn khá mới mẻ, nhưng nhiều đơn vị tư nhân đã chuẩn bị tham gia thị trường carbon tự nguyện. Phát triển dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp tái sinh, bảo tồn rừng, phục hồi hệ sinh thái biển… là những lĩnh vực tiềm năng.
Theo dõi Thuận Hải
Có Thể Bạn Quan Tâm



TRUNG HÒA CARBON LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TRẠNG THÁI TRUNG HÒA CARBON?
Carbon Dioxide (CO2) là khí nhà kính chiếm tỷ trọng cao nhất cũng như là nguyên nhân chính làm Trái Đất nóng lên và gây ra hàng loạt các hệ lụy đáng lo ngại cho toàn bộ hệ sinh thái toàn cầu. Chính vì vậy, các hành động hướng tới mục tiêu Net Zero nói chung hay Trung hòa Carbon nói riêng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.