Tin tức
VÌ SAO THAN ĐÁ VIỆT NAM ĐẮT HƠN THAN ĐÁ NHẬP KHẨU?
Nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang có tốc độ tăng phi mã, chủ yếu để phục vụ sản xuất điện và công nghiệp.
1. Thực trạng ngành than Việt Nam
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, nguồn cung về than cho sản xuất điện có liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia không đáp ứng đủ yêu cầu.
Hiện nay, có khoảng 107 doanh nghiêp hoạt động trong ngành than trong đó các công ty dẫn đầu về sản lượng sản xuất gồm Viancomin (41 triệu tấn), Vietmindo (3 triệu tấn), Tổng công ty Đông Bắc (3 triệu tấn).
Trong khai thác lộ thiên, nhờ áp dụng công nghệ khai thác than tiên tiến, với thiết bị máy khoan, xúc, vận tải ô tô và ô tô kết hợp với băng tải đồng bộ công suất lớn, triển khai các hệ thống điều khiển tự động tổ hợp vận tải mỏ; áp dụng đồng bộ hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động… giúp duy trì sản lượng khai thác than lộ thiên và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, điều kiện khai thác lộ thiên ngày càng khó khăn, phức tạp, hầu hết các mỏ than lộ thiên đều khai thác xuống sâu, đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm, rủi ro ngày càng tăng; hệ số bóc đất đá và cung độ vận chuyển đối với các mỏ khai thác lộ thiên tăng.
Trong khai thác than hầm lò, điều kiện địa chất tài nguyên mỏ với nhiều phay phá, cấu trúc của vỉa than phức tạp, vỉa dày mỏng không đồng đều với góc dốc không ổn định. Điều kiện của vỉa than thuộc dạng khó áp dụng cơ giới hóa.
Trước khó khăn do địa chất phức tạp, khai thác xuống sâu, áp lực lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khí mỏ, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, dẫn đến chi phí khai thác ngày càng cao, giá thành sản xuất than ngày càng tăng, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu. Tiêu thụ than sản xuất trong nước khó khăn, than tồn kho tăng, ảnh hưởng đến điều kiện ổn định sản xuất và tích lũy để đầu tư cho công tác thăm dò, cải tạo mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng mỏ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng cao của nền kinh tế, đặc biệt là nhu cầu than cho điện tăng nhanh.
2. Nghịch lý xuất – nhập khẩu than đá
Theo cân đối cung cầu than giai đoạn 2017 – 2030, sản lượng than cục, than cám chất lượng cao trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, còn dư trung bình là 2,1 triệu tấn/năm. Đây là chủng loại than chất lượng được sản xuất ra đồng thời với các chủng loại than khác theo dây chuyền công nghệ. Trong khi đó, việc tiếp tục cho phép xuất khẩu than sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Cũng bởi 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao xuất khẩu có giá trị tương đương 2 - 2,5 tấn than cám cho sản xuất điện.
Mặc dù xuất khẩu, nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than. Đặc biệt khi nhu cầu than tăng cao trong khu vực công nghiệp, trọng điểm là điện, luyện kim, xi măng. Lượng than sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, nên cần thiết phải nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu than gồm nhiều chủng loại cho nhiều nhu cầu tiêu thụ khác nhau và phân bố theo từng miền. Than nhập cho điện chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, than nhập khẩu cho sản xuất công nghiệp chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và một phần nhỏ ở miền Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế cả năm 2023, nhập khẩu than các loại đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Quốc gia | Sản lượng nhập khẩu 2023 (tấn) |
Úc | 19,889,709 |
Indonesia | 19,257,469 |
Nga | 4,375,526 |
Trung Quốc | 341,768 |
Quốc gia khác | 7,294,386 |
Chủng loại than nhập về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là antraxit, than bitum, á bitum và than cốc cho ngành thép. Khối lượng than antraxit nhập khẩu không nhiều, chủ yếu để phối trộn với than sản xuất trong nước. Việt Nam đã có giao dịch mua than các loại của tổng số 23 quốc gia. Các quốc gia xuất khẩu than vào Việt Nam lớn nhất qua các năm gồm nước: Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc,…
Theo đó, trong tổng nhu cầu than của năm 2025 dự báo là gần 115 triệu tấn, thì trong nước chỉ sản xuất được trên 45,7 triệu tấn. Lượng xuất khẩu là 1,8 triệu tấn thì nhu cầu nhập khẩu tăng lên tới trên 71 triệu tấn. Đến năm 2030, lượng nhập khẩu là trên 90 triệu tấn, năm 2045 tăng lên hơn 95,5 triệu tấn. Mặc dù chỉ mới bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2013 nhưng Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu than thành nước nhập khẩu than ròng.
Thực trạng sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu than trên đây là phản ánh kết quả của quá trình đầu tư, tác động của điều kiện địa chất mỏ, điều kiện sản xuất, nhân tố thị trường, đặc biệt là những cơ chế chính sách quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh than.
3. Những lý do khiến giá than trong nước cao
Nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang có tốc độ tăng phi mã, chủ yếu để phục vụ sản xuất điện và công nghiệp. Theo Tổng cục Năng lượng Việt Nam, sự gia tăng này xuất phát từ việc nguồn than trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu và giá than nhập khẩu hiện thấp hơn giá than khai thác trong nước, nguyên nhân là do:
- Địa hình mỏ than
Giá than nhập khẩu thấp hơn chủ yếu nhờ vào địa hình thuận lợi cho việc khai thác tại một số mỏ. Mỏ than ở các quốc gia khác thường đặt tại các vùng địa hình tương đối phẳng và dễ tiếp cận. Đa số mỏ khai thác tại Việt Nam là ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành than đá trong nước.
Nguồn tài nguyên than có mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu sắp bước vào thời kỳ suy giảm. Than Cọc Sáu là mỏ than sâu và lâu đời nhất tại Quảng Ninh với đáy mỏ (moong than) ở mức -300m, đây là mức sâu nhất trong ngành than và cũng là mỏ có độ sâu khá hiếm trên thế giới hiện nay.
- Kỹ thuật khai thác
Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm, rủi ro ngày càng tăng, theo đó chi phí đầu tư áp dụng các kỹ thuật hiệu quả, và quy mô sản xuất lớn của ngành công nghiệp khiến giá thành than ngày càng tăng cao.
Trong tương lai, ngành than Việt Nam sẽ chuyển sang khai thác hầm lò là chủ yếu. Đây là loại hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2-3 năm).
- Chính sách thuế, phí trong nước
Than đá trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ các chính sách về thuế ở trong nước. Thuế tài nguyên môi trường đã có những sự điều chỉnh trong những năm gần đây, trên thực tế, loại thuế này tại Việt Nam cũng đã tăng hơn 10%, cao hơn mức trung bình trên thế giới là 7%. Chính sách thuế, phí đối với than lên cao cũng làm cho giá thành sản phẩm được đà tăng vọt.
Trong khi đó, giá than tại nhiều thị trường quốc tế lại giảm. Đây là yếu tố vì sao lượng than nhập khẩu lại nhiều như trong thời gian vừa qua.
- Chính sách hỗ trợ của chính phủ sở tại
Chính sách hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về giá thành. Đặc biệt, các quốc gia như Indonesia và Úc đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp khai thác than, từ việc cung cấp các khoản tài trợ đến ưu đãi thuế và hỗ trợ hạ tầng. Những chính sách này đã giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển than, từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Than nhập khẩu có sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực khai thác. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khai thác than cũng thúc đẩy hiệu suất và giảm giá thành, khiến cho than nhập khẩu trở thành một nguồn năng lượng có chi phí thấp hơn so với than trong nước.
4. Dự báo tiêu thụ than trong nước
Dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước theo phương pháp trực tiếp và phương pháp nội suy. Phương pháp trực tiếp được áp dụng để tính toán dự báo nhu cầu sử dụng than đối với các ngành đã có quy hoạch như: điện, xi măng, thép, phân bón hóa chất... Phương pháp nội suy áp dụng để tính toán dự báo nhu cầu sử dụng than đối với các ngành chưa có quy hoạch, hoặc không có số liệu về dự báo nhu cầu sử dụng than.
Đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 65,65 triệu TOE, bình quân đầu người khoảng 0,63 TOE/người (tương ứng với dân số dự báo là 104 triệu người). So với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn thấp hơn nhiều - nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Đại Dương, Nhật Bản và một số nước giàu tài nguyên than.
Tài nguyên than là không tái tạo và được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa. Để đảm bảo phát triển bền vững ngành than Việt Nam - một trong những ngành cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho nền kinh tế (nhất là than cho điện) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần phải hoạch định chiến lược và có những cơ chế chính sách phù hợp.
Về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam theo dạng nhiên liệu, than vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhưng sẽ có xu hướng ổn định tỷ trọng theo xu hướng chuyển xanh để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển.
5. Thuận Hải – Đơn vị nhập khẩu than đá uy tín
Thuận Hải nằm trong top 3 đơn vị nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam với hơn 3 triệu tấn/năm, đồng thời cũng là đơn vị thương mại than đá lớn nhất cả nước trong ngành công nghiệp vận hành Hơi – Nhiệt. Những lý do nên chọn Thuận Hải làm nhà cung cấp than đá tại Việt Nam:
- Đa dạng nguồn cung: Thuận Hải mở rộng mạng lưới nhập khẩu than đá, cung cấp đa dạng nguồn than từ các mỏ than lớn, được đánh giá cao về chất lượng trên toàn thế giới như: Indonesia, Nga, Úc.
- Đảm bảo trữ lượng: Là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu than đầu tiên tại Việt Nam, Thuận Hải đã xây dựng được quan hệ hợp tác lâu dài với các mỏ than lớn. Đây cũng là lợi thế giúp chúng tôi đảm bảo được trữ lượng than ổn định, liên tục.
- Hệ thống logistic toàn diện: Hệ thống 6 kho vệ tinh trải dài từ Bắc vào Nam với tổng sức chứa 1,2 triệu tấn, tọa lạc gần các khu công nghiệp, các tuyến đường trọng điểm. Dự án Cảng Tổng hợp Cái Mép tại Bà Rịa - Vũng Tàu với sức chứa 500.000 tấn giúp việc nhập khẩu và lưu trữ nhiên liệu thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn liên kết với công ty vận tải thành viên, sở hữu đội xe và sà lan hơn 100 chiếc nhằm tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển cho khách hàng.
- Kiểm soát chất lượng: Thuận Hải trực tiếp khảo sát thực địa tại các mỏ than, kiểm định nguồn than chặt chẽ trước khi vận chuyển về Việt Nam. Để giữ được sự ổn định về chất lượng, than đá được lưu trữ bảo quản trong kho kín có lắp đặt mái che, băng tải và hệ thống lọc bụi bảo vệ môi trường. Chúng tôi đầu tư trang thiết bị hiện đại (phòng lab, máy test ẩm, test nhiệt...) nhằm kiểm soát thường xuyên chất lượng nguyên-nhiên liệu từ đầu vào đến đầu ra.
- Đội ngũ chuyên môn: Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng cùng đội ngũ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm, tận tâm trong từng khâu sản xuất và vận chuyển, giúp khách hàng an tâm về nguồn cung nhiên liệu.